Như chúng tôi đã nhắc rất nhiều lần trong các bài viết tập san, trên website hoặc trên fanpage về chứng nhận FSC và tầm quan trọng của nó, có thể hiểu đơn giản rằng, hệ thống FSC cho phép các doanh nghiệp và người tiêu dùng xác định, mua và sử dụng gỗ, giấy và các lâm sản khác được làm bằng vật liệu có nguồn gốc từ các khu rừng được quản lý tốt và/hoặc các nguồn tái chế.
Ý nghĩa của từng chiếc nhãn FSC
Logo FSC – biểu tượng của những khu rừng được quản lý tốt, xuất hiện trên nhãn sản phẩm để chứng minh sản phẩm có nguồn gốc từ các khu rừng được quản lý có trách nhiệm. Mặc dù đối với những người thường xuyên tiếp xúc và làm việc với logo FSC, họ có thể dễ dàng phân biệt được các loại nhãn, thì những người tiêu dùng hàng ngày chưa chắc đã có thể hiểu được sự khác nhau giữa 2 loại nhãn FSC 100% và nhãn FSC Mix là như thế nào. Chỉ biết chắc chắn một điều rằng, đằng sau mỗi nhãn hiệu FSC đều là những sản phẩm được sản xuất bằng vật liệu rừng từ các nguồn được chứng nhận hoặc có trách nhiệm.
Về cơ bản, chứng nhận FSC có ba loại nhãn khác nhau:
- FSC 100%: Sản phẩm đến từ 100% nguyên liệu có nguồn gốc từ các khu rừng được chứng nhận FSC
- FSC Recycled (Tái chế): Các sản phẩm được làm từ 100% vật liệu tái chế
- FSC Mix: Chứa ít nhất 70% nguyên liệu đầu vào đảm bảo đến từ rừng chứng nhận hoặc vật liệu tái chế, 30% còn lại cũng được làm từ nguồn gỗ được kiểm soát chặt chẽ.
Nếu một sản phẩm được gắn nhãn FSC 100% thì không còn gì để bàn hơn nữa. Vì nó quá là tuyệt vời rồi. Nhưng điều đó không nói lên rằng một sản phẩm chỉ sử dụng nhãn FSC Mix thay vì FSC 100%, thì không đáng tin cậy. FSC Mix vẫn là một biểu tượng của việc quản lý rừng có trách nhiệm.
FSC Mix có đáng được tin cậy như FSC 100% không?
Hàng năm, nhu cầu về các sản phẩm FSC và sự quan tâm đến việc được chứng nhận FSC tăng lên. Để đảm bảo người tiêu dùng thực sự có được các vật liệu được chứng nhận, FSC đã phải tìm một nền tảng trung gian. Đơn giản vì việc cung cấp nguyên liệu FSC, trong một số trường hợp, không thể đảm bảo rằng toàn bộ chuỗi cung ứng sẽ chỉ dựa vào vật liệu được FSC chứng nhận. Vì vậy, khi không thể chắc chắn 100% cho mọi trường hợp, thì điều FSC có thể làm là đảm bảo 70% vật liệu được chứng nhận và kiểm soát chặt chẽ ở 30% còn lại. Ở 30% vật liệu còn lại này, các công ty áp dụng nhãn FSC Mix phải đảm bảo rằng thành phần không được chứng nhận FSC của sản phẩm tránh được các nguồn gây tranh cãi nhất. Các nguồn gỗ không được chấp nhận bao gồm:
- Nguồn gỗ khai thác trái phép;
- Nguồn gỗ khai thác vi phạm các quyền dân sự truyền thống;
- Nguồn gỗ khai thác trong các khu rừng có giá trị bảo tồn cao, bị đe dọa bởi các hoạt động quản lý;
- Nguồn gỗ khai thác trong rừng đang chuyển đổi sang rừng trồng hoặc không sử dụng rừng;
- Nguồn gỗ từ các khu rừng trồng cây biến đổi gen.
Vậy nên, dù là FSC 100% hay FSC Recycled, hoặc FSC Mix thì với chiếc nhãn FSC, người tiêu dùng vẫn có thể yên tâm và cảm thấy tự tin rằng họ đang hỗ trợ việc quản lý rừng một cách có trách nhiệm và không khuyến khích nạn phá rừng.