Thời gian gần đây, nhiều người thường nhắc đến in “letterpress” và có nhiều thắc mắc xung quanh kỹ thuật in này. Nhưng có vẻ như rằng, kỹ thuật in “letterpress” vẫn còn là khái niệm rất mơ hồ cho cả những chuyên gia kỹ thuật cũng như khách hàng in ấn ở Việt Nam.
Vậy in letterpress là kỹ thuật in như thế nào? Và điều gì làm cho kỹ thuật in này nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người đến vậy?
Lịch sử hình thành kỹ thuật in letterpress?
Nói một cách đơn giản, letterpress là hình thức in nổi sử dụng một máy ép cơ học để ép một bề mặt được quét mực lên giấy, từ đó tạo ra một sản phẩm in. Mực được quét dính vào phần bề mặt nổi lên – vốn thể hiện những hình ảnh, văn bản cần in được xếp trên bề mặt tương tự như một con dấu cao su. Phần bề mặt nổi đã được quét mực in này sẽ tiếp xúc trực tiếp với giấy dưới một lực tác động nhẹ và sau đó sang chuyển những hình ảnh, văn bản qua.
Mặc dù các thông tin chính xác về việc phát minh ra máy in letterpress vẫn còn rất mơ hồ, nhưng hầu hết các học giả và nhiều tài liệu ghi chép đều tin rằng Johann Gutenberg đã phát minh ra máy in letterpress lần đầu tiên vào những năm 1400, tại Mainz, nước Đức. Phát minh của ông về một loại khuôn in có thể điều chỉnh, cho phép in nhiều loại cùng một lúc và do đó mang đến khả năng in ấn chưa từng thấy. Cho đến thế kỷ 19, in letterpress vẫn là phương pháp in ấn chính, mặc dù, những cỗ máy công nghiệp sau này có cấu tạo hoàn toàn khác với thời của Gutenberg.
Có phải in letterpress còn được gọi là kỹ thuật dập chìm?
Ngày nay, in letterpress – mà một số người gọi là kỹ thuật dập chìm (debossed), được nhiều người yêu thích vì tạo nên hiệu quả xúc giác và thị giác ấn tượng, tinh tế cho ấn phẩm. Quả thật, nhiều người thường nhầm lẫn giữa kỹ thuật in letterpress và kỹ thuật dập chìm. Bởi với 2 kỹ thuật này, thành phẩm sẽ là những hình ảnh hoặc văn bản được ép lún trên bề mặt giấy. Tuy nhiên, dù có vẻ mang đến một kết quả thành phẩm tương đối giống nhau, nhưng đây vẫn là 2 kỹ thuật hoàn toàn riêng biệt. Letterpress được thiết kế với mục đích chính là in ấn chứ không nhằm tạo ra vết lõm xuống, nhưng đây là kết quả tất yếu được tạo ra bởi quá trình in. Và trong quy trình in letterpress, mực in được sử dụng. Đối với kỹ thuật dập chìm, hình ảnh hoặc văn bản được cố tình làm lõm xuống nhằm nhấn mạnh và tạo sự khác biệt cho sản phẩm. Quá trình tạo hình ảnh hoặc văn bản lõm xuống có sử dụng một khuôn kim loại âm – dương, và không hề có mực in dùng trong quá trình này.
In letterpress – “Thú chơi” mới mà cũ
Kỹ thuật in letterpress thời kỳ đầu sử dụng các chữ cái (do đó còn được gọi là in ấn xếp chữ), các họa tiết bằng gỗ và kim loại cổ điển được xếp tay vào máy in, kết hợp với một bảng màu rực rỡ của các loại mực cũng được trộn bằng tay. Máy in letterpress sử dụng các bộ phông chữ hoàn chỉnh trải dài từ các dấu hiệu, ký hiệu cho đến các chữ cái và số. Những thiết kế in ấn trong thời kỳ đó bị hạn chế do sự giới hạn của các hình dạng, họa tiết và phông chữ đặc thù. Tuy nhiên, letterpress vẫn là phương pháp in ấn mãi chính cho đến giữa thế kỷ 20.
Gần đây, in ấn letterpress được hồi sinh như một hình thức nghệ thuật trong in ấn. Thời điểm rộn ràng của một xã hội khao khát những sản phẩm thủ công, có một không hai, giữa hàng vạn kiểu mẫu được sản xuất vô tận giống hệt nhau, thì sự trở lại của quá khứ rõ ràng mang một ý nghĩa đặc biệt.
Trong in letterpress ngày nay, phát minh tuyệt vời của Gutenberg được tái dựng bằng việc kết hợp với công nghệ hiện đại. Các tấm photopolymer được sử dụng và máy ép cũng được kết hợp kỹ thuật số hoàn toàn tự động, thay vì phải có người đứng sắp xếp các bộ chữ kim loại thành hàng.
Photopolymer là chất giống nhựa nhưng nhạy cảm với ánh sáng cực tím, cứng, bền và có thể thay thế. Tương tự như tạo ra một bản kẽm trong in ấn offset, chỉ cần gửi file được thiết kế trong InDesign, Illustrator đến cửa hàng dịch vụ để tạo nên tấm photopolymer với bề mặt in nổi có chi tiết chính xác với thiết kế. Việc in letterpress lúc này trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Tuy vậy, in letterpress vẫn là in letterpress, không thể thay thế được cho in offset. Chủ yếu là do chi phí của in letterpress rất cao. Ngày nay, in letterpress được sử dụng hầu như chỉ cho vài mục đích đặc biệt như in dập chìm. Nhưng quả thật, kiểu in này vẫn để lại kết quả ấn tượng, thanh lịch và thủ công mà không có bất kỳ phương pháp in ấn gia công nào sánh được.